Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Giải quyết những vấn đề nông dân đang quan tâm

Giải quyết những vấn đề nông dân đang quan tâm
Cập nhật: Thứ tư, 7/7/2010 | 8:07:49 Sáng
Những năm qua, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông), nhờ đó bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống nông dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân nông thôn đang gặp một số khó khăn trong sản xuất và giải quyết việc làm cần được quan tâm giải quyết.

Về vốn sản xuất

Có ba nguyên nhân khiến nông dân trong tỉnh thiếu vốn sản xuất. Thứ nhất, là ruộng đất canh tác bình quân theo lao động rất thấp, chỉ khoảng 2 sào/lao động, sản xuất manh mún, năng suất lao động và tỷ trọng hàng hoá thấp, giá thành cao làm cho nông dân không có khả năng tích luỹ hoặc tích luỹ ít. Thứ hai, một bộ phận hộ nông dân có thu nhập khá từ xuất khẩu lao động song chưa dành vốn cho phát triển sản xuất mà đầu tư về xây nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt; một số hộ năng động, có điều kiện, kinh nghiệm và nhu cầu vay vốn nhiều để đầu tư mở rộng sản xuất nhưng lại thiếu tài sản thế chấp. Thứ ba, các hộ nghèo, gia đình có người bị ốm đau, tai nạn hoặc các hộ sản xuất bị thiên tai, dịch bệnh… nên không có hoặc không còn vốn để đầu tư.

Để giải quyết vấn đề trên, hiện nay người nông dân chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng trong tỉnh, sự giúp đỡ tương trợ của một số HTX, doanh nghiệp, tổ chức hội và họ hàng, xóm láng. Vì vậy để giải quyết vốn sản xuất, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện để giúp các lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tạo vốn liếng làm ăn sau này. Đề nghị ngành ngân hàng tích cực "bơm" vốn cho nông dân, hãy cho nông dân vay nhiều hơn, nhanh hơn, với thủ tục thuận lợi hơn để có thêm nhiều hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Về phía các hộ nông dân khi vay vốn cần tính toán cụ thể, trên tinh thần có vay, có trả nghiêm túc, giữ chữ tín để cả ngân hàng và hộ nông dân cùng phát triển thịnh vượng.

Về giải quyết việc làm

Xuất phát từ chỗ lao động nông nghiệp trong tỉnh chỉ sử dụng bình quân khoảng 60% thời gian lao động, còn lại là thời gian nông nhàn cho nên trong nông thôn hiện nay lao động dư thừa đang trở thành sức ép. Phần lớn lao động trẻ phải rời nông thôn đi tìm việc làm xa với những công việc không ổn định, thu nhập thấp. Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ không tốt trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của nông thôn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn số lao động đó chưa được đào tạo nghề, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị các cấp, ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề, có giải pháp từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với từng cơ sở đào tạo nghề, phải công bố chuẩn đào tạo; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng với các thông tin về thị trường lao động, việc làm từ tỉnh đến xã. Cần giúp người dân nhận thức sâu sắc rằng việc đào tạo nghề chính là "chìa khoá" để tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mặt khác, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, qua đó sẽ có sự chuyển dịch của lao động nông thôn sang làm việc tại các doanh nghiệp.

Về Kiến thức sản xuất và tiêu thụ nông sản

Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là yếu tố quyết định để người nông dân sản xuất hàng hoá. Lâu nay nhiều nông dân thường sản xuất tự phát, theo phong trào, gần như không biết bán cho ai, giá bao nhiêu… chỉ biết vụ trước người ta cấy trồng và chăn nuôi, sản phẩm bán có lãi là làm theo. Thực tế cho thấy, khi chỉ có một số hộ sản xuất một loại sản phẩm thì dễ tiêu thụ, nhưng khi thấy hiệu quả, nhiều người cùng làm thì lại lo thừa, không tiêu thụ được. Để từng bước giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến huyện cần rà soát, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất theo hướng xác định thị trường tiêu thụ chính là các thành phố lớn và cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, nhất là sản xuất các loại rau quả, thực phẩm an toàn. Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường trên, vấn đề mấu chốt là phải có kiến thức sản xuất nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy các ngành chức năng cần tăng cường chuyển giao khoa học, nâng cao kiến thức sản xuất cho nông dân, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến chế biến... Các ngành, địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm với HTX hoặc trưởng thôn, tổ nhóm đại diện các hộ dân, đồng thời đề cao trách nhiệm thực hiện cam kết, thực hiện hợp đồng của cả hai phía.

Giải quyết tốt những vấn đề nông dân quan tâm nêu trên là thiết thực cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.

Trần Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét